Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024
Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024, tại Việt Nam với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Ngày 11/7/1987, Thế giới đã chào đón sự ra đời của công dân thứ 5 tỷ. Đứng trước những nguy cơ của việc bùng nổ dân số, diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amsterdam (Thủ đô Hà Lan) tháng 11 năm 1989 đã quyết định lấy ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số Thế giới.
Kỷ niệm “Ngày Dân số thế giới 11/7” hàng năm nhằm mục đích làm cho mọi người nhận thức đúng tình hình dân số thế giới để có suy nghĩ, hành động đúng, tìm tòi, sáng tạo nhiều phương thức và biện pháp nhằm giảm nhanh tỷ lệ tăng dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vấn đề dân số thế giới đang là mối quan tâm của mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia và cộng đồng nhân loại. Hằng năm, nhân Ngày Dân số Thế giới, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại.
Năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu: tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện, chất lượng cuộc sống nhân dân được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức, đó là: nguy cơ không đạt được mức sinh thay thế trong phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số giới tình khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.
Nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, chào mừng Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay tại Việt Nam có chủ đề: “
Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững” nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức của cộng đồng của toàn xã hội về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng và sức khoẻ của cộng đồng dân cư nói chung. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi về dân số. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế, coi chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm nâng cao vị thế con người và sự phát triển đất nước phồn vinh.
Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay: “
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách sân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo phát triển nhanh bền vững. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển…”.
Trên quan điểm chỉ đạo của Đảng, tại huyện Yên Mỹ các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cũng đã xem công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình, tích cực phối hợp với hệ thống làm công tác dân số các cấp để thực hiện truyền thông, tư vấn đến với hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện về công tác dân số trong tình hình mới.
Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới năm nay, ngành dân số huyện Yên Mỹ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục các nội dung công tác dân số liên quan đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước, của địa phương trong hiện tại và tương lai.
- Lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội;
- Lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh;
- Phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong việc thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;
- Ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi;
- Cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp…) góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Trong 7 năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21, trên cơ sở thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi, cùng với tác động của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, phần lớn người dân trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế, luôn duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng, công tác truyền thông giáo dục được đẩy mạnh, các mô hình nâng cao chất lượng dân số được duy trì, mở rộng, nhận thức, thái độ và hành vi của nhân dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ngày được nâng cao. Khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng có hai con đã trở thành chuẩn mực xã hội, lan tỏa thấm sâu trong toàn xã hội. Kết quả này đã tác động tích cực, toàn diện đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.